Ngành công nghiệp livestream tỷ đô lời lãi đến mức nào mà đích thân Jack Ma, siêu sao Kim Kardashian online bán hàng?

8 tháng trước, Meng Hu đã bỏ việc làm tiếp viên hàng không tại Quảng Châu, Trung Quốc để theo đuổi giấc mơ trở thành một ngôi sao mạng.

Cô này đã gửi thông báo nghỉ việc tới cho hãng hàng không ngay trước khi dịch Covid-19 ập đến khiến ngành hàng không ngưng trệ. Kể từ đó, cô liên tục thực hiện những buổi livestream từ căn hộ 1 phòng ngủ của mình.

Hu, 27 tuổi hiện là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Kể từ tháng 2, cô này đang làm việc toàn thời gian như một người dẫn dắt chính những buổi livestream trên website thương mại điện tử Taobao. Ở đó, cô đã xây dựng được một lực lượng fan hâm mộ tới hơn 400.000 người.

“Tôi nói không ngừng. Cổ họng tôi thậm chí đã trở nên khàn đặc. Trong nghề này, bạn phải nói rất nhiều vì tâm trạng của bạn có thể ảnh hưởng lây lan tới rất nhiều người. Bạn không thể chỉ làm mọi thứ nửa vời. Chỉ khi nói chuyện thành thật thì khán giả mới thích thú với bạn”.

Hu là một trong những ngôi sao đang nổi tại Trung Quốc – những người đang trong cuộc đua với thị trường mua sắm online ở Trung Quốc dự đoán trị giá 66 tỷ USD. Mặc dù xu hướng này đã là một phần văn hóa internet Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng các chuyên gia phân tích nói rằng đại dịch Covid-19 đã khiến nó trở thành một xu hướng chính.

Ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng đã lên tiếng hỗ trợ, kêu gọi ngành công nghiệp này là “cỗ máy mới” của tốc độ tăng trưởng và khuyến khích livestream như một giải pháp giải quyết thất nghiệp vốn là tình trạng đang rất đáng lo ngại trong đại dịch.

Mua sắm livestream pha trộn giữa giải trí và thương mại điện tử. Những người xem sẽ mua hàng hóa trực tuyến từ những người bán từ son môi tới nước giặt trên những video phát trực tiếp. Nhiều người cho rằng mô hình này giống với kênh mua sắm tivi QVR nhưng phiên bản tại Trung Quốc bây giờ hiện đại hơn và tương tác tốt hơn.

Tuy nhiên, Hu và những người mới gia nhập ngành này đều thừa nhận rằng mọi chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng, thậm chí là khá khó khăn và chỉ một vài người mới có thể đạt được sự nghiệp thành công thực sự.

Bùng nổ nhờ Covid-19

Trong nửa đầu năm nay, hơn 10 triệu phiên livestream thương mại điện tử đã được thực hiện theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc.

Tính tới tháng 3, có 560 triệu người xem các buổi livestream bán hàng ở Trung Quốc, tăng so với mức 126 triệu tháng 6 năm ngoái. Một nửa trong số họ sử dụng livestream để mua sắm trực tuyến.

Sandy Shen – một giám đốc nghiên cứu nói rằng mua sắm trên livestream sẽ cần 2, 3 năm để trở thành xu hướng chính ở Trung Quốc trước đại dịch. Nhưng thay vào đó, khi đại dịch xảy ra, quá trình này chỉ mất 2, 3 tháng.

Các chuyên gia dự đoán rằng ngành công nghiệp này vẫn còn nhiều đất để phát triển. Trong năm 2019, thị trường mua sắm livestream ở Trung Quốc trị giá 451,3 tỷ NDT (66 tỷ USD). Điều đó có thể nâng gấp đôi lên 1,2 nghìn tỷ NDT (gần 170 tỷ USD) trong năm nay.

Các chuyên gia dự đoán rằng xu hướng này có thể sẽ lặp lại ở cả trên thế giới. Một phần Đông Nam Á là một ví dụ. Lazada – công ty thuộc sở hữu của Alibaba cũng đã cho phép livestream bán hàng. Amazon cũng đang thử nghiệm những tính năng tương tự.

Siêu lợi nhuận

Một phần sức lôi cuốn của việc mạo hiểm vào thế giới livestream là viễn cảnh nhận được thành quả khổng lồ. Những thương hiệu đều đặn tuyên bố 10 đến trăm triệu USD doanh số trong riêng một phiên livestream. Những người trực tiếp livestream thì có thể kiếm được cả triệu USD mỗi năm. Sức hấp dẫn siêu lợi nhuận đó đã thu hút ngay cả những doanh nhân vào cuộc. Tỷ phú Jack Ma – ông chủ Alibaba rồi cả CEO Xiaomi là Lei Jun đều từng trực tiếp livestream bán sản phẩm.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng không phải ai cũng thành công. “Nếu chỉ là một người bán bình thường trên Taobao, bạn chỉ sử dụng chính nhân viên của mình, không có tiếp thị, bạn sẽ chỉ có khoảng vài trăm người xem. Họ sẽ có thể dừng 5 – 10 giây và nếu không thấy thú vị, họ sẽ rời đi”.

Với những người như Hu, cuộc bùng nổ sắp diễn ra cho thấy cả “cơ hội lẫn thách thức”.

Hu nói rằng cô hiện kiếm tiền 1 tháng bằng làm cả năm như trước. Tuy nhiên, giờ giấc khá eo họp. Cô phải dành 7 giờ mỗi ngày để nói chuyện trên livestream với fan, giới thiệu sản phẩm. Sau đó, cô lại dành nhiều giờ mỗi đêm để đọc thông tin về sản phẩm mà cô định bán.

“Mỗi ngày tôi thức dậy và rồi làm việc, làm việc, ăn rồi lại làm việc và ngủ. Khá là khó khăn”.

Dĩ nhiên Hu cũng nhận được thành quả xứng đáng. Hơn 20 người làm việc trong đội ngũ hỗ trợ Hu, cả trực tiếp và gián tiếp. Gồm cả nhân viên giúp chọn sản phẩm bán, mức giảm giá cho fan và lên kế hoạch ghi hình. Chông Hu cũng tham gia giúp cô một số việc khác.

Hu và đội của mình kiếm tiền thông qua 2 nguồn chính: Các công ty trả cho sản phẩm được bán và hoa hồng trên doanh số bán. Tỷ lệ hoa hồng đa dạng từ 6-16% phụ thuộc vào các nền tảng.

Chỉ khoảng 5-19% trong số 400.000 người thành công

Dẫu vậy, ảnh hưởng của ngành công nghiệp này với nền kinh tế vẫn còn giới hạn. Xiaofeng Wang – một chuyên gia phân tích nói. Bà nói rằng mua sắm livestream vẫn chiếm phần trăm rất nhỏ – dự đoán chỉ quanh 5% – trong thị trường thương mại điện tử cả nước – rất nhỏ so với toàn lĩnh vực bán lẻ.

“Tôi không nghĩ thương mại điện tử livestream có thể cứu nền kinh tế”.

Trong số 400.000 người mà bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng tham gia livestream trong nửa đầu năm 2020, chỉ 5 – 19% thành công và có thể kiếm được tiền thật theo dự đoán của một chuyên gia kinh tế.

Bà nói rằng rất khó dự đoán bao nhiêu việc làm đã tạo cho nền kinh tế Trung Quốc bởi nhiều người làm trong lĩnh vực này không làm toàn thời gian.

“Tôi nghĩ lĩnh vực này sẽ chỉ thúc đẩy một số ít lượng việc làm. Không đủ làm thay đổi tình hình”.

“Mọi người muốn tham gia vào lĩnh vực này phải làm việc rất chăm chỉ”, theo heng Xia – CEO của NStar MCN.

“Đây là công việc cường độ cao. Không phải ai cũng làm được. Chúng tôi phải thuê nhiều người mới liên tục”.

Đó cũng là câu hỏi đang đối mặt với Seven Zhou – một người livestream ở Hồ Bắc. Tháng 1, cựu tư vấn viên ngân hàng này đã bị cho nghỉ việc sau khi công ty anh mất những khách hàng lớn vì đại dịch. Giống Hu, anh quyết định tìm hy vọng mới ở lĩnh vực livestream bán hàng.

Tuy nhiên kể từ khi tham gia, Zhou nói rằng anh nhận ra mục tiêu khó nhằn hơn dự tính. Douyin yêu cầu bất kỳ ai muốn thành người bán trên nền tảng của họ phải có ít nhất 1.000 người theo dõi nhưng cột mốc đó rất khó đạt được. Để tìm khách hàng, anh phải thực hiện những buổi livestream kéo dài 2 giờ mỗi ngày. Cảm giác rất khó khăn.

Rất ít người xem dừng lại ở kênh của anh và video của anh không nhận được nhiều nút thích.

8 tháng trôi qua, Zhou băn khoăn liệu anh có nên dừng lại không. Người đàn ông 30 tuổi này hiện vẫn chưa quyết định được nhưng anh nói rằng đã không còn ảo tưởng với ngành công nghiệp này và tất cả những câu chuyện thành công sau 1 đêm.

“Mọi thứ không diễn ra suôn sẻ. Hệ thống không đơn giản như tôi nghĩ”.

Previous post Thái Nguyên tìm nhà đầu tư khu đô thị hơn 900 tỷ đồng
Next post Nhu cầu vận chuyển hàng hoá hàng không tăng cao, SCS tiếp tục báo lãi tăng trưởng 22% trong năm 2021